Lịch sử chiến đấu Lockheed_AC-130

Việt Nam

Trong Chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay cường kích tầm xa AC-130 để săn đuổi và bắn hạ các xe vận tải Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tất cả các máy bay AC-130 được sử dụng ở Việt Nam nằm trong biên chế của không đoàn đặc nhiệm số 16, đóng quân ở Căn cứ không quân Ubon, miền tây Thái Lan. Vào năm 1969 – 1970, trên đường Trường Sơn chỉ có hai máy bay tham chiến, sau đó số lượng máy bay càng ngày càng tăng lên.

AC-130 nặng gần 80 tấn nên dù có bị trúng đạn pháo phòng không cỡ nhỏ thì cũng không rơi tại chỗ mà chỉ bị hư hại. Từ năm 1970, AC-130 luôn bay cao hơn 3.000 mét nên các loại pháo phòng không cỡ 23mm, 37mm mà Việt Nam thường dùng cũng khó mà tiêu diệt được vì không bắn tới. Pháo phòng không cỡ 57mm thì có thể bắn tới AC-130, nhưng số lượng khá ít, thời đó loại pháo này cũng không có khí tài nhìn đêm nên việc bắn trúng AC-130 là rất khó.

Các phi vụ tác chiến trên đường mòn Hồ Chí Minh được tiến hành vào mùa khô, khi các đoàn vận tải quân sự Việt Nam tăng cường các chuyến hàng tiếp viện. Mùa mưa bắt đầu vào tháng 5 và trong vòng 6 tháng, các tuyến đường tiếp vận từ Lào vào Việt Nam bị bắt buộc phải dừng do trời mưa liên tiếp và các con đường không thể cơ động được. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ năm 1969 đến 1970. Không quân Hoa Kỳ đưa ra những xác định khả năng tiêu diệt mục tiêu:

- Xe vận tải được xác định là đã bị tiêu diệt, khi bị bắn trúng bằng đạn 40 mm Bofors hoặc bốc cháy;

- Xe vận tải được xác định là đã bị bắn hỏng, khi bị bắn trúng bằng đạn 20 mm Vulcan hoặc đạn 40 mm nổ phá trong đường kính 3 m cách ô tô.

Mùa khô năm 1970 – 1971 máy bay cường kích hỏa lực AC-130 tác chiến hiệu quả nhất. Lực lượng phòng không của Việt Nam trên đường Trường Sơn khi đó chỉ có súng máy và pháo cao xạ hạng nhẹ, nên khó có thể bắn tới AC-130, những chiếc AC-130 hoạt động dễ dàng mà không sợ bị bắn hạ. Với màu sơn đen dưới bụng và màu sơn ngụy trang trên thân và phía trên, các máy bay AC-130 tuyên bố đã bắn cháy và bắn hỏng 12.741 chiếc xe vận tải của đối phương. Quả thực con số này rất đáng nghi ngờ tính chính xác của nó, bởi vì có đến 5.000 xe vận tải cũng được tính vào thành tích của những phi đoàn các loại máy bay cường kích khác. Cũng theo tin tức tình báo của Mỹ, quân đội Việt Nam có trong biên chế khoảng gần 18.000 xe vận tải, như vậy nếu tính theo tuyên bố của Mỹ thì chỉ trong mùa khô đó, máy bay Mỹ đã phá hủy hết tất cả các xe vận tải của Binh đoàn Trường Sơn, có những xe còn bị phá hủy nhiều lần. Rõ ràng các phi công AC-130 đã "phóng đại" thành tích của mình lên nhiều lần.

Còn theo số liệu của Việt Nam, trong mùa khô 1970-1971, AC-130 đã bắn cháy 2.432 chiếc ô tô vận tải trong tổng số 4.000 chiếc bị đánh hỏng trong năm đó, tổn thất tới 12.000 tấn hàng hóa. Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng và trực tiếp cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 vạch ra nhiều kế hoạch bắn hạ AC-130 để bảo đảm an toàn đoàn xe cùng hàng hóa.[5]

Đoàn 559 huy động toàn bộ các lực lượng sử dụng mọi phương tiện để mở mới và nâng cấp 6 đường trục dọc Tây Trường Sơn cùng hàng trăm km đường ngang, hàng nghìn km đường vòng tránh qua các trọng điểm bị đánh phá. Đoàn 559 còn sáng tạo các tuyến đường kín: đây là con đường mở trong rừng, xe chạy dưới tán lá cây. Ở các chỗ cây thưa thì bố trí thêm những giàn cây dây leo để tạo mái che tự nhiên bằng lá cây. Được rừng che chở, các đoàn xe vận tải chạy được cả ban ngày mà không sợ máy bay địch phát hiện, nhờ đó nâng cao đáng kể năng lực vận chuyển. Từ năm 1971, Đoàn 559 đã xây dựng tuyến đường kín từ Bắc Lùm Bùm đến Hạ Lào dài trên 1.000 km. Bộ đội công binh còn xây dựng hàng trăm trận địa, kho giả, xe giả trên tuyến vận tải cũ để nghi binh thu hút sự chú ý của địch. Cùng với sáng tạo ra tuyến đường kín, bộ đội Đoàn 559 còn tìm ra nhiều cách dùng củi khô, dầu thải, mìn khói và chất tạo khói đánh lừa thu hút máy bay địch. Bên cạnh việc thực hiện ngụy trang, nghi binh, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo cải tiến vũ khí đánh trả AC-130.

Nhưng đến năm 1972 thì tình hình hoàn toàn không dễ chịu cho phi công Mỹ. Máy bay trinh sát đường không của Mỹ đã phát hiện một số tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2 được bố trí để đánh trả máy bay Mỹ. Đối với AC-130 đây là nguy hiểm chết người: tránh khỏi tên lửa đất đối không SA-2 với AC-130 động cơ cánh quạt nặng nề là điều không thể. Nhưng hủy bỏ các chuyến săn đêm thì các sĩ quan Mỹ không muốn, do hiệu quả cao của máy bay đối với các xe vận tải của đối phương.

Ngày 14 tháng 3 năm 1972, chiếc AC-130 số hiệu 69-6570 bị trúng đạn pháo phòng không 57mm tại khu vực ngã ba Máy Húc, bị hư hại nhưng không rơi.

Sự trả giá đến vào ngày 29 tháng 3 năm 1972, 1 chiếc АС-130 mật danh Prometheus bị bắn hạ bởi một quả đạn tên lửa S-75 Dvina, 14 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Hai ngày sau, một chiếc AC-130 lại bị quật ngã bởi pháo phòng không 57mm và rơi xuống rừng Trường Sơn, 15 thành viên phi hành đoàn nhảy dù và được giải cứu sau đó. Không quân Mỹ bị mất liên tiếp hai chiếc máy bay đắt đỏ và 14 phi công chỉ trong 2 ngày.

Ngày 12/05/1972, tại An Lộc, lần đầu tiên bộ đội Việt Nam sử dụng tên lửa vác vai 9K32 Strela 2 bắn bị thương chiếc AC-130E số hiệu 69-6573, biệt danh Heavy Metal. Ngày 18/6/1972, bộ đội Việt Nam sử dụng tên lửa vác vai 9K32 Strela 2 bắn rơi một chiếc AC-130, giết chết toàn bộ 12 phi công trên máy bay. Tên lửa vác vai 9K32 Strela 2 là một mối nguy hiểm rất lớn đối với AC-130 vì nó rất gọn nhẹ, bộ binh có thể mang vác và phục kích tại bất cứ đâu, khiến máy bay Mỹ không thể phát hiện được. Khi tên lửa đã được phóng đi thì AC-130 rất khó có thể bay thoát vì vận tốc chậm, vì vậy nó phải dựa vào mồi bẫy pháo sáng để đánh lừa 9K32 Strela 2, nhưng nếu mồi bẫy không có tác dụng thì việc trúng đạn là điều chắc chắn.

Chiếc AC-130 cuối cùng bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam vào đêm ngày 21 tháng 12 năm 1972 gần Pakse, Nam Lào. Nhận thấy trước khi bay vào trọng điểm, máy bay AC-130 thường hạ độ cao, bay dọc đường 22 để quan sát, Ban Chỉ huy Trung đoàn 593 đã chọn một quả đồi cách trọng điểm ngầm 22 khoảng hơn 10 km, bí mật lập một trận địa cao xạ 37mm ở đây. Chiếc AC-130 có mật danh Spectre 17, sau khi bắn cháy 3 xe tải đã quay lại tấn công một khẩu đội pháo cao xạ 37mm thì bị một khẩu đội 37mm khác bắn 5 phát đạn trúng gốc cánh trái. Phi hành đoàn Spectre 17 hôm đó có 16 người, 2 người nhảy dù thành công và được trực thăng HH-53 cứu thoát, 14 phi công khác thiệt mạng.

Tính tới cuối năm 1972, bộ đội Việt Nam đã bắn hạ 8 chiếc AC-130 trong tổng số 18 chiếc AC-130A/E/H được chế tạo (Mỹ công nhận có 6 chiếc AC-130 bị bắn hạ khiến 52 phi công thiệt mạng). Đây là tổn thất lớn đối với quân Mỹ, vì mỗi chiếc AC-130 rất đắt, chưa kể thiệt hại nhân mạng (mỗi chiếc AC-130 được vận hành bởi 12-14 người). Nhìn thấy kết quả thê thảm trong tương lai, Không quân Hoa Kỳ đã giảm hẳn việc sử dụng AC-130 tại chiến trường Việt Nam.

Sau khi kí hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, để lại cho Việt Nam Cộng Hòa một số chiếc AC-130 trong biên chế lực lượng không quân. Toàn bộ 7 chiếc AC-130 này đều bị tịch thu sau giải phóng. Đây là chiến lợi phẩm úy giá nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam thu được từ Hoa Kỳ. AC-130 tiếp tục được Không quân nhân dân Việt Nam sử dụng để để ném bom, vận tải trong các trận chiến trong Chiến tranh biên giới Tây Nam. Thành tích tiêu diệt quân Khmer Đỏ rất cao. Sau khi hòa bình, hầu như AC-130 đều được nghỉ hưu cất kho vì không có phụ tùng thay thế.

Các nước khác

Sau chiến tranh Việt Nam, máy bay AC-130 không tham gia các hoạt động tác chiến trong một thời gian dài, AC-130 được đưa vào hoạt động trở lại trong cuộc xâm lược Grenada do Hoa Kỳ tiến hành vào tháng 10 năm 1983. Grenada chỉ có một ít các khẩu đội pháo phòng không yếu ớt với cỡ nòng nhỏ, nên AC-130 đã dễ dàng tấn công, đồng thời yểm trợ hỏa lực cho cuộc đổ bộ của Lính thủy đánh bộ.

Sau đó, AC-130 tiếp tục được điều động tham chiến trong cuộc xâm lược Panama (diễn ra từ ngày 20 tháng 12 năm 1989 đến ngày 7 tháng 1 năm 1990). Trong cuộc chiến này, AC-130 lần lượt tiêu diệt hàng loạt các mục tiêu trọng yếu là căn cứ không quân Rio Hato, Paitilla, các sân bay Torrijos, Tosamen và cảng Balboa, cùng một số cơ sở quân sự riêng biệt khác. Địa hình tác chiến được giới hạn tương đối hẹp và hoàn toàn không có lực lượng phòng không đã biến AC-130 như đang tham gia vào một cuộc diễn tập bắn đạn thật hơn là tác chiến trong một cuộc chiến tranh. Chiến thuật được áp dụng rất truyền thống, hai máy bay AC-130 tham gia vòng lượn từ hai phía của vòng tròn, xạ kích xuống mặt đất trong vùng hỏa lực bán kính 15m, tiêu diệt mọi mục tiêu. Đặc biệt là trong thời gian chiến tranh ở Panama, máy bay tham gia tác chiến vào ban ngày.

Trong chiến dịch Bão tạp sa mạc, 4 chiếc AC-130 từ không đoàn số 4 đã tiến hành 50 cuộc oanh kích, thời gian tham chiến hơn 280 giờ bay. Mục tiêu chủ yếu của AC-130H là các trận địa phóng tên lửa Scud và các đài radars trinh sát tầm xa. Trong quá trình tác chiến, Hoa Kỳ nhanh chóng phát hiện ra yếu điểm của AC-130, điều kiện tác chiến sa mạc, không khí khô và nóng, cát bụi dày đặc trong không trung gần mặt đất đã hoàn toàn vô hiệu hóa các hệ thống trinh sát hồng ngoại và radar.

Hơn thế nữa trong trận chiến Al – Hafi khi yểm trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh, một máy bay AC-130 đã bị tên lửa phòng không của Iraq bắn hạ, toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng. Tổn thất trên đã khẳng định lại một sự thật hiển nhiên từ chiến tranh Việt Nam: Trong một trận chiến mà đối phương có lực lượng phòng không tầm cao, AC-130 dù được trang bị 'khủng' đến mấy vẫn dễ bị bắn hạ do tốc độ quá chậm và nặng nề.

Sau đó, AC-130 tiếp tục tham chiến trong các cuộc chiến Somalia năm 1992-1993, Bosnia-Herzegovina, tham gia sơ tán thường dân Hoa Kỳ ở Albania năm 1997.

Hiện nay AC-130 cũng đang được đưa vào sử dụng ở chiến trường Libya.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lockheed_AC-130 http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://archive.is/20121212202657/http://www.af.mil... http://www.cannon.af.mil/News/ArticleDisplay/tabid... http://www.af.mil/About-Us/Fact-Sheets/Display/Art... http://www.af.mil/About-Us/Fact-Sheets/Display/Art... http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2011/03... http://www.archive.org/details/AC-130_Gunship_Ops_... http://www.globalsecurity.org/military/systems/air... http://www.gunships.org/birds.html http://www.npr.org/templates/story/story.php?story...